Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp tăng lãi suất và đồng USD tăng giá mạnh đang gây áp lực lớn tới các quốc gia khác trên thế giới…
Những tháng qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tập trung cao độ vào việc kiềm chế lạm phát ở Mỹ.
Tuy nhiên, chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất nhiều thập kỷ của cơ quan này đang ảnh hưởng tới nhiều quốc gia cách Mỹ hàng nghìn cây số. USD mạnh lên khiến đồng nội tệ của họ lao dốc và ngân hàng trung ương các nước này buộc phải tăng lãi suất nhanh hơn, mạnh hơn.
ẢNH HƯỞNG DÂY CHUYỀN TỪ MỸ
“Chúng ta đang chứng kiến Fed có những động thái thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất kể từ đầu những năm 1980. Họ sẵn sàng chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp cao và suy thoái kinh tế”, ông Chris Turner, giám đốc toàn cầu phụ trách các thị trường tại ING, nhận xét. “Điều này không tốt chút nào cho tăng trưởng kinh tế thế giới”.
Theo ông Turner, quyết định của nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm ba lần liên tiếp tuần trước và tín hiệu cho thấy cơ quan này sẽ tiếp tục tăng lãi suất đang đẩy các nước đối tác của Mỹ trên khắp thế giới vào tình cảnh khó khăn.
“Nếu các nước này tụt lại phía sau quá xa so với Mỹ (trong việc nâng lãi suất), các nhà đầu tư có thể rút tiền khỏi thị trường tài chính của họ, gây ra những gián đoạn nghiêm trọng”, ông nói.
Tuần qua, theo sau động thái của Fed, ngân hàng trung ương tại nhiều nước gồm Thụy Sỹ, Anh, Na Uy, Indonesia, Nam Phi, Nigeria, Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan đều đã nâng lãi suất cơ bản.
Theo CNN, lập trường cứng rắn của Fed trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng đang đẩy giá đồng USD lên cao nhất trong hai thập kỷ qua so với một rổ các tiền tệ lớn khác. Dù điều này mang lại lợi ích cho người dân Mỹ khi đi mua sắm ở nước ngoài, nhưng đây lại là tin xấu với các quốc gia khác.
Tỷ giá đồng Nhân dân tệ, Yên, Rupee, Euro và Bảng Anh đều giảm mạnh so với USD, khiến việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu bằng các tiền tệ này trở nên đắt đỏ hơn. Việc “nhập khẩu” lạm phát từ Mỹ này đang gây áp lực lớn đối với ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia.
Phản ứng với việc đồng USD tăng giá, thứ Năm tuần trước, lần đầu tiên sau 24 năm, Nhật bản đã quyết định có biện pháp can thiệp để ổn định tỷ giá đồng Yên so với USD. Từ đầu năm đến nay, đồng nội tệ của Nhật đã giảm 26% so với USD. Dù vậy, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn đang nằm ngoài xu hướng của các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới khi chưa tăng lãi suất bất chấp lạm phát leo thang.
Trung Quốc cũng đang theo dõi thị trường tiền tệ sau khi tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục và ngoài đại lục giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2008.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đầu tuần này cảnh báo rằng tỷ giá Euro so với USD lao dốc mạnh đang làm gia tăng thêm áp lực lạm phát với nền kinh tế châu Âu.
Nguồn: Tổng hợp